Đầu tư cho sức khỏe người lao động: hiệu quả kinh tế cao

Một trong 4 nội dung được các đại biểu tham dự cuộc họp cấp cao APEC lần thứ 7 về y tế và kinh tế vừa diễn ra trong hai ngày 23-24/10 tại Việt Nam nhất trí khẳng định rằng việc đầu tư cho chăm sóc sức khỏe người trong độ tuổi lao động liên quan chặt chẽ đến phát triển của mỗi quốc gia, bởi nó gắn liền với tăng năng suất lao động xã hội.Vì thế, các lợi ích kinh tế cần được đầu tư lại cho chăm sóc sức khỏe và đã đến lúc sử dụng công cụ đo lường lợi ích kinh tế và năng suất lao động bằng mô hình kinh tế y tế.

Nhận định này đặc biệt hữu ích với Việt Nam, bởi cho đến hiện nay việc đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của các ngành, các cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chưa bị khấu trừ nguồn tài chính từ ngân sách và tiền túi người lao động đã bỏ ra chi trả cho các bệnh nghề nghiệp, bệnh thông thường người lao động mắc phải trong quá trình làm việc cũng như nghỉ hưu. Ngay trong Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, công tác đánh giá tác động môi trường cũng không xem xét tới tác động sức khỏe của người lao động, dân cư khu vực xung quanh và việc đền bù thiệt hại trong các trường hợp gây ô nhiễm cũng không tính tới tác động của ô nhiễm đối với sức khỏe con người trong khu vực ảnh hưởng.Trong khi đó, chi phí điều trị bệnh nghề nghiệp, bệnh mãn tính đang là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình có lao động mắc phải. Điển hình nhất là những người lao động mắc bệnh ung thư, họ không chỉ bị suy kiệt về sức khỏe, mà còn bị cạn kiệt cả tài sản.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày nay, ung thư nghề nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của công nhân ở các nước phát triển và đang phát triển. Chỉ riêng nước Mỹ, ước tính hàng năm có khoảng 20.000 người chết do ung thư và  40.000 trường hợp mới mắc ung thư do nghề nghiệp.

Tại Việt Nam, hàng năm có trên dưới 150.000 bệnh nhân mắc bệnh ung thư và  hơn 75.000 ca tử vong do ung thư. Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, ung thư là 1 trong nhiều nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam với khoảng 200.000 bệnh nhân đang điều trị. Theo PGS.TS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, do đa phần bệnh nhân khám và điều trị ở giai đoạn muộn (khoảng 80%) nên chi phí điều trị nhiều nhưng tỷ lệ tử vong vẫn trên 70%.

Năm 2014, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đã phải trả hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó chi phí thuốc và mua máu chiếm 65% – 70%. Ung thư cũng làm cho bệnh nhân suy sụp chỉ sau một thời gian ngắn bị bệnh. Với gần 2.000 người bệnh ở 3 trung tâm điều trị ung thư hàng đầu cả nước là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho thấy, sau 1 năm phát hiện bệnh, có 22,36% bệnh nhân bị khó khăn về kinh tế  và có khoảng 34% người không thể mua thuốc; khoảng 24% người không có khả năng chi trả tiền gas, điện, nước; khoảng 21% không thể chi trả chi phí đi lại và có tới khoảng 15,2% không thể mua nổi đồ ăn. Để giải quyết vấn đề đó thì có đến 22% người dân bị phá sản còn lại phải đi vay mượn…

Riêng chi phí thuốc điều trị mỗi năm chiếm khoảng 10% tổng chi phí khám điều trị bệnh BHYT. Hiện tại Quỹ BHYT đang phải chi trả cho 65 loại thuốc điều trị ung thư, trong đó có nhiều loại thuốc rất đắt như: Glivec: hơn 40.000.000 đồng/tháng; Erlotinib: 40.000.000 đồng/tháng; Sorafenib: 118.000.000 đồng/tháng; Cetuximab: 90.000.000 đồng/tháng…Chỉ tính 2 loại thuốc Glivec và Tasigna, hàng năm Quỹ BHYT đã thanh toán khoảng 200.000.000.000 đồng cho khoảng trên 900 người bệnh đang điều trị.

Năm 2015 ngành bảo hiểm chi  620 tỷ đồng cho điều trị ung thư  phế quản và phổi, 490 tỷ đồng cho ung thư vú, 350 tỷ đồng cho bệnh bạch cầu tủy.

Khám kiểm tra sức khỏe cho người lao động tại Công ty …..

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung tham quan trưng bày thiết bị bảo vệ sức khỏe người lao động tại Lễ Phát động Tháng An toàn vệ sinh lao động lần thứ I

Theo kết quả nghiên cứu chi phí điều  trị ung thư tại các nước khu vực Đông Nam Á , ở Việt Nam ung thư được xem là mối nguy hại lớn khi tỷ lệ tử vong cao, hệ lụy tài chính nghiêm trọng cho cả bệnh nhân và gia đình. 55% bệnh nhân gặp thảm họa tài chính và tử vong trong vòng một năm sau khi phát hiện bệnh.

Thực tế này cho thấy, việc đầu tư tạo điều kiện cho người lao động làm việc trong môi trường vệ sinh an toàn, hạn chế nguy cơ bệnh nghề nghiệp, bệnh thông thường; thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh sớm cho người lao động để tăng khả năng cứu sống người bệnh và giảm chi phí điều trị chính là đầu tư cho y tế dự phòng đối với người lao động. Việc đầu tư này sẽ đỡ tốn kém so với đầu tư chữa bệnh, lại bảo đảm được sức khỏe cho lực lượng lao động chính của xã hội.

(Chi Mai,  Nguồn: http://moh.gov.vn/pcbenhnghenghiep/pages/tintuc.aspx?ItemID=1159&CateID=9 )

error: Content is protected !!
Chat Zalo
0961908335